Ba người lính Mỹ anh hùng Thompson, Colburn, Andreotta trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968

Ba người lính Mỹ anh hùng Thompson, Colburn, Andreotta trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968.

W.Minh Tuan

Dư luận thế giới biết nhiều về vụ thảm sát Mỹ Lai, tỉnh Quảng Ngãi ngày 16 tháng 3 năm 1968, nhưng ít người biết đến 3 người Mỹ dũng cảm đã cố gắng ngăn chặn vụ thảm sát này, và đã cố gắng cứu sống nhiều người VN trong vụ thảm sát đó.

Đó là hạ sĩ Thompson, hạ sĩ Colburn, và phi công Andreotta.

Sáng sớm ngày 16 tháng 3, năm 1968, 3 người nhận được lệnh đi máy bay trực thăng do đội trưởng Andreotta lái, bay đến khu vực xã Sơn Mỹ, làng Mỹ Lai, để hỗ trợ cho đại đội Charlie đang chiến đấu với lực lượng cộng sản.

Khi bay đến Mỹ Lai, từ trên máy bay nhìn xuống, họ nhìn thấy những đám khói trắng của đạn pháo bắn từ căn cứ Chu Lai bắn vào phía tây của làng Mỹ Lai. Những người phụ nữ đang chạy dồn những đứa trẻ con chạy xuống hầm làm ngay trong các căn nhà của nông dân. Những người nông dân đang làm đồng chạy tán loạn trên khắp cánh đồng tìm nơi ẩn nấp. Những con trâu, bò, lợn, gà chạy tán loạn về mọi phía.

Những chiếc trực thăng chở lính Mỹ bắt đầu đáp xuống làng Mỹ Lai, các toán lính Mỹ chui ra khỏi các máy bay trực thăng, và chạy tìm nơi ẩn nấp, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

3 người bay quần đảo khắp khu vực xã Sơn Mỹ và làng Mỹ Lai để thám thính, cố phát hiện xem có lực lượng cộng sản nào không. Nhưng không thấy. Chỉ nhìn thấy các nông dân không vũ khí đang chạy tán loạn khắp làng, tìm nơi ẩn nấp.

3 người bay về căn cứ Chu Lai để tiếp xăng, sau đó lại bay trở lại làng Mỹ Lai để hỗ trợ đại đội Charlie ở dưới mặt đất.

Khi 3 người bay quay trở lại Mỹ Lai, cảnh tượng dưới mặt đất lúc này thật khủng khiếp. Những xác người chết nằm rải rác khắp làng. Tất cả đều là nông dân, phụ nữ, trẻ em, người già, nằm rải rác trong các tư thế vẹo vọ ghê rợn, không thấy ai có vẻ là cộng sản. Nhưng anh Thomson vẫn không tin đây là hành vi giết người của đại đội Charlie, vì anh nghĩ quân đội Mỹ không thể phạm cái tội ác khủng khiếp đó. Đó chỉ có thể là hành động dã man của quân đội Hit-le xưa kia.

Anh Thomson nghĩ phải có một sự giải đáp nào đó cho cái cảnh tàn sát ở dưới đất kia.

Đột nhiên, 3 người nhìn thấy một phụ nữ trẻ bị thương, nằm trên mặt đất. Không nhìn thấy vũ khí ở bên cạnh chị phụ nữ, anh Thompson nghĩ rằng đây không phải là cộng sản. Anh ném một trái lựu đạn khói xuống bên cạnh chị phụ nữ, để đánh dấu, và gọi điện xuống cho nhóm lính Mỹ ở dưới mặt đất, nói nhóm đó cử bác sĩ đến cứu chữa cho chị ấy. Nhóm lính Mỹ này có khoảng 3, 4 người, do đại úy Đại đội trưởng Ernest Medina dẫn đầu. Anh Thomson thấy yên tâm, vì nhìn thấy chỉ huy đơn vị trong nhóm đó.

Đại úy Medina đi đến gần chị phụ nữ bị thương. Chị ấy yếu ớt ra hiệu gì đó. Đại úy Medina lập tức xả súng bắn chết chị đó.

Cả 3 người từ trên trực thăng đều sững sờ trước cảnh đó, và cùng đồng thanh hét to trong máy bộ đàm “Chị ấy có đe dọa ai đâu”.

Ba người vẫn tiếp tục bay lượn trên làng Mỹ Lai, hi vọng sẽ phát hiện tiếp những người nông dân không có vũ khí, để thông báo cho các nhóm lính Mỹ đang đi lùng sục trong làng.

Từ trên máy bay, 3 người lại nhìn thấy một cái hầm, đang có nhiều người trú ẩn. Họ chỉ là nông dân, phụ nữ, trẻ em, bà già,,,.Đến lúc này, 3 người Mỹ đã bắt đầu hiểu ra, ở Mỹ Lai đang không có vụ chiến đấu nào cả, mà chỉ là vụ tàn sát dân thường.

“Phải xuống cứu họ”, cả 3 người cùng hét lên.

Đội trưởng Andreotta hạ thấp máy bay xuống, và anh Thompson nhảy ra khỏi máy bay, chạy đến chỗ có hầm trú ẩn. Khi đó, một nhóm lính Mỹ cũng đi đến. Anh Thompson nói với nhóm lính Mỹ hãy cùng anh đưa những người VN đang ở trong hầm trú ẩn đến nơi an toàn.

Một người lính Mỹ trả lời là sẽ “đưa đến nơi an toàn” bằng lựu đạn.

“Hả, thế thì các anh đứng lại, không được tiến thêm”-Thompson hét to. Trên máy bay đậu gần đó, hạ sĩ Colburn đang điều khiển khẩu súng đại liên 60 li, nhằm vào nhóm lính Mỹ.

Nếu nhóm lính Mỹ tiến lên, Colburn sẽ nổ súng.

Anh Thompson lao đến hầm trú ẩn, lôi tất cả những người VN ra khỏi hầm, tất cả có 10 người nông dân, và đẩy họ lên máy bay.

3 người Mỹ chở các nông dân VN đến nơi an toàn, thả họ xuống, và quay máy bay lại Mỹ Lai, tìm cứu những nông dân khác.

Andreotta phát hiện một đống thây người chết trên một thửa ruộng, nhưng có cái gì đó động đậy. Anh đậu máy bay xuống thửa ruộng, và lao ra khỏi máy bay, chạy đến bới đống thây người chết. Anh lôi ra được một em bé bị thương, nhưng còn thở được, đang ngọ nguậy. Họ chở em bé về sân bay Quảng Ngãi, giao em bé cho bệnh viện.

Tại căn cứ chỉ huy, Thompson chạy đi tìm các cấp trên, và hét to lên rằng phải chấm dứt vụ tàn sát dân thường.

Không ai nghe anh.

Nhưng cuối cùng, thiếu tá Frank Barker đã nghe ra, và ra lệnh dừng cuộc tàn sát. Khi đó, đã có hơn 500 dân thường bị giết chết.

Một tuần sau vụ thảm sát Mỹ Lai, phi công Andreotta bị chết trong một trận chiến đấu khác với quân cộng sản.

Chiến tranh kết thúc. Thompson và Colburn trở về Mỹ, sống âm thầm lặng lẽ. Không có ai muốn quan hệ với các anh.

Các anh bị cho rằng đã giúp kẻ thù.

Năm 1998, 30 năm sau vụ thăm sát Mỹ Lai, VN tổ chức kỷ niệm vụ thảm sát, và mời anh Thompson sang VN, đến Mỹ Lai dự Lễ Kỷ niệm. Các nhà báo Mỹ đi cùng anh.

Ở Mỹ Lai, những người nông dân VN được anh cứu sống, và con cháu họ, đã chạy đến đón anh, nói lời cảm ơn: “-Vì sao anh khác những người Mỹ khác thế?”-một phụ nữ nay đã hơn 60 tuổi, mà được anh cứu sống 30 năm trước, hỏi.

“Tôi không biết. Nhưng chúng tôi không được huấn luyện để tàn sát dân thường”, anh Thompson trả lời.

Trở về Mỹ sau Lễ kỷ niệm Mỹ Lai năm 1998, thùng thư của anh Thompson tràn ngập thư từ khắp thế giới, ca ngợi hành động dũng cảm của anh và 2 đồng đội 30 năm trước.

Một bức thư viết “The world needs so much more of the likes of you”-“Thế giới cần rất nhiều nữa những người như anh”

Năm 2006, anh Thompson qua đời lặng lẽ tại Mỹ, không gia đình, không vợ con. Nhưng trang Web Hugh Thompson Foundation vẫn còn. Mời các bạn ghé xem trang Web này nhé.///

https://www.facebook.com/groups/110962792286096/